Dầu động cơ (engine oil, motor oil) là loại dầu có chức năng đảm bảo động cơ hoạt động êm ái và bền bỉ, đây là thành phần không thể thiếu của bất kỳ động cơ đốt trong nào. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại dầu động cơ đều giống nhau và việc lựa chọn loại dầu phù hợp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như kiểu loại, tuổi thọ, tình trạng động cơ, điệu kiện lái xe cũng như khuyến nghị của nhà sản xuất.
Vậy dầu động cơ là gì? Lợi ích của việc sử dụng dầu động cơ? Có bao nhiêu loại dầu động cơ? Nên chọn loại dầu nào tốt cho xế yêu của mình?…K-Pro Car Care đã tổng hợp tất cả các thông tin có liên quan giúp giải đáp những thắc mắc nêu trên, mời bạn đọc cùng tham khảo:
Dầu động cơ, hay còn được gọi là dầu máy, nhớt máy, nhớt động cơ, là hỗn hợp của dầu gốc và chất phụ gia được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của từng loại động cơ khác nhau.
Dầu gốc có thể được làm từ dầu mỏ, hóa chất tổng hợp hoặc kết hợp cả hai. Phụ gia là những chất giúp tăng cường các đặc tính của dầu gốc, chẳng hạn như chất chống mài mòn, chất tẩy rửa, chất phân tán, chất cải thiện chỉ số độ nhớt, chất chống oxy hóa, chất chống tạo bọt, chất ức chế ăn mòn và chất ức chế điểm đông đặc.
Dầu động cơ mang lại một số lợi ích sau:
Giúp phân tách và bôi trơn các bộ phận chuyển động trong động cơ như: piston, xi lanh, van, trục cam, ổ trục, làm giảm ma sát và ngăn chặn sự tiếp xúc giữa các bề mặt kim loại với nhau.
Giúp làm mát động cơ bằng cách truyền nhiệt từ các điểm nóng như buồng đốt, bộ tăng áp đến máng dầu và bộ tản nhiệt.
Giúp làm sạch động cơ bằng cách ngăn chặn và loại bỏ bụi bẩn, cacbon, các hạt kim loại và các chất gây ô nhiễm khác có thể tích tụ và tạo thành lớp cặn.
Nâng cao hiệu suất sử dụng nhiên liệu của động cơ bằng cách giảm tổn thất năng lượng do ma sát và cải thiện độ kín của các vòng piston.
Bảo vệ động cơ khỏi bị ăn mòn và oxy hóa bằng cách trung hòa các axit được hình thành từ quá trình đốt cháy nhiên liệu và quá trình phân hủy dầu.
Vận hành thủy lực ở một số động cơ có hệ thống điều phối van biến thiên hoặc hệ thống ngắt xi lanh để điều chỉnh hiệu suất của động cơ theo các điều kiện lái xe.
Giúp bảo vệ hệ thống khí thải bằng cách giảm lượng chất độc hại thải ra từ khí thải.
Việc thay thế bộ lọc dầu được khuyến nghị thực hiện khi thay dầu động cơ. Ảnh Shutterstock
Không có câu trả lời chính xác, việc thay thế dầu phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như loại dầu bạn sử dụng, tình trạng động cơ, thói quen và điều kiện lái xe của bạn. Theo nhiều nguồn thông tin, khuyến nghị chung của chuyên gia là nên thay dầu động cơ sau mỗi 5.000 dặm (8000 km) đến 7.500 dặm (12.000 km) hoặc 6 tháng một lần, tùy điều kiện nào đến trước.
Một số loại xe đời mới ngày nay còn được trang bị bộ theo dõi tuổi thọ dầu cung cấp thông tin về thời điểm cần thay dầu dựa trên tình trạng thực tế của dầu và thói quen lái xe của bạn. Nhìn chung, việc thay dầu thường xuyên là điều quan trọng để giữ cho động cơ của xe hoạt động trơn tru và tránh việc sửa chữa tốn kém, bạn nên kiểm tra sổ tay hướng dẫn sử dụng để biết khoảng thời gian thay dầu cụ thể cho xe của mình và nên cân nhắc thay thế bộ lọc dầu sau mỗi lần thay dầu.
Tùy thuộc vào thành phần và hiệu suất, người ta phân dầu động cơ thành 4 loại chính sau:
Đây là loại dầu động cơ cơ bản và rẻ nhất, được làm từ dầu mỏ tinh chế. Nó có ít chất phụ gia hơn dầu tổng hợp, khả năng bảo vệ hạn chế, hiệu suất máy và tính kinh tế về nhiên liệu thấp. Loại này phù hợp cho các động cơ kiểu cũ có hiệu suất thấp với điệu kiện lái thông thường.
Đây là loại dầu động cơ cao cấp và đắt tiền nhất, được sản xuất từ hóa chất tổng hợp hoặc dầu mỏ tinh chế chất lượng cao. Loại này có nhiều chất phụ gia hơn dầu thông thường, cung cấp khả năng bảo vệ tốt, hiệu suất máy và tính kinh tế về nhiên liệu cao. Dầu này phù hợp với các động cơ mới có hiệu suất cao với điều kiện lái yêu cầu cao, chẳng hạn như phải khởi động - dừng thường xuyên, chạy tốc độ cao, tải trọng cao hoặc điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.
Đây là hỗn hợp giữa dầu tổng hợp và dầu thông thường, mang lại sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí của cả hai loại. Loại này có nhiều chất phụ gia hơn dầu thông thường nhưng ít hơn dầu tổng hợp, cung cấp khả năng bảo vệ, hiệu suất và tính kinh tế về nhiên liệu ở mức vừa phải. Dầu này phù hợp với điều kiện lái từ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như thỉnh thoảng khởi động-dừng, tốc độ vừa phải, tải vừa phải hoặc điều kiện nhiệt độ vừa phải.
Đây là loại dầu được pha chế đặc biệt dành cho động cơ đã đi được hơn 75.000 dặm (120.000 km). Loại này có các chất phụ gia giúp giảm hiện tượng hao hụt dầu, hiện tượng rò rỉ và giảm lượng khí thải, khôi phục công suất và khả năng nén của động cơ. Nó có thể được làm từ dầu thông thường, dầu tổng hợp hoặc dầu pha tổng hợp, tùy thuộc vào yêu cầu của động cơ.
Cấp độ SAE của dầu được khuyến nghị theo nhiệt độ môi trường. Xem sổ tay hướng dẫn để chọn cấp nhớt phù hợp cho động cơ. Ảnh: energy
Các thông số của dầu động cơ là những con số và chữ cái biểu thị độ nhớt, phân loại dịch vụ và các thông số hiệu suất của dầu. Độ nhớt là thước đo độ đặc hay lỏng và độ trôi chảy của dầu ở các mức nhiệt độ khác nhau. Phân loại dịch vụ là đánh giá về chất lượng và sự phù hợp của dầu đối với các loại động cơ khác nhau. Các thông số về hiệu suất của dầu biểu thị khả năng đáp ứng hoặc vượt các tiêu chuẩn do các tổ chức thử nghiệm đặt ra.
Đây là cấp độ nhớt của dầu theo Hiệp hội Kỹ sư Ô tô- SAE (Society of Automotive Engineers). Nó bao gồm hai số cách nhau bởi chữ W, viết tắt của chữ mùa đông (Winter). Chỉ số đầu tiên biểu thị độ nhớt của dầu khi ở nhiệt độ thấp, chỉ số càng thấp thì dầu càng loãng. Chỉ số thứ hai sau chữ W biểu thị độ nhớt của dầu khi ở nhiệt độ cao, chỉ số càng cao thì dầu càng đặc. Ví dụ, dầu 5W-30 có độ nhớt là 5 khi lạnh và 30 khi nóng, có nghĩa là nó có thể luân chuyển tốt ở cả hai điều kiện này. Ngày nay, xe ô tô sử dụng 2 loại cấp nhớt phổ biến nhất là 5W-30 và 10W30. Chỉ số SAE thường được thể hiện trong vòng tròn “bánh rán” API (API Donut) in trên nhãn chai dầu.
Vòng tròn “bánh rán” API (API Donut) cung cấp cấp độ nhớt SAE và ký hiệu phân loại dịch vụ API của dầu động cơ. Ảnh: energy
Đây là cách phân loại dịch vụ của dầu theo Viện Dầu khí Hoa Kỳ- API (American Petroleum Institute). Nó bao gồm hai chữ cái, chữ cái đầu tiên cho biết loại động cơ được thiết kế cho loại dầu đó, cụ thể chữ S là viết tắt của động cơ xăng, chữ C là viết tắt của động cơ diesel. Chữ cái thứ hai cho biết năm model mà loại dầu đó tương thích, nằm trong khoảng từ A đến P, trong đó A là cũ nhất và P là mới nhất. Ví dụ, dầu SN phù hợp với động cơ xăng được phát triển từ năm 2010 trở lên. Ký hiệu phân loại dịch vụ API thường được hiển thị trong vòng tròn “bánh rán” API (API Donut) in trên nhãn chai cùng với chỉ số SAE.
Chỉ số API của dầu cho xe xăng được khuyến nghị theo năm model của xe. Ảnh: energy
Biểu thị khả năng đáp ứng hoặc vượt các tiêu chuẩn yêu cầu do các tổ chức thử nghiệm quốc tế đặt ra, chẳng hạn như Ủy ban phê duyệt và tiêu chuẩn dầu nhớt quốc tế (ILSAC), Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA), hoặc các nhà sản xuất thiết bị nguyên bản (OEM). Các thông số kỹ thuật này cho biết hiệu suất của dầu về mặt tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải, chống mài mòn, kiểm soát cặn lắng và các tiêu chí khác. Ví dụ: dầu ILSAC GF-6 đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải và tiết kiệm nhiên liệu mới nhất cho động cơ xăng, trong khi dầu ACEA A3/B4 đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu suất cao và nhiệt độ cao cho động cơ xăng và diesel. Các thông số kỹ thuật về hiệu suất thường được in trên nhãn chai dưới dạng hình ngôi sao, hình chữ nhật cùng với mã số hoặc logo tương ứng.
Chúc các bạn luôn có một chiếc xe đẹp!
Peter Pham